Xử sao với 5 học sinh lột đồ, đánh bạn?

Xử sao với 5 học sinh lột đồ, đánh bạn?

Vụ việc nữ học sinh phải nhập viện tâm thần sau khi bị năm bạn đánh hội đồng, lột đồ và quay clip xảy ra ở Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) đang khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. 

Bên cạnh yêu cầu xử lý trách nhiệm nhà trường, nhiều người còn đòi hỏi phải xử nghiêm năm em học sinh, kể cả hình sự.

Việc xử lý giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường cũng như cá nhân, hiệu trưởng và các cá nhân liên quan đã và đang được cơ quan chức năng gấp rút thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của bộ trưởng GD&ĐT và chủ tịch UBND tỉnh này. Thế còn với năm em học sinh vi phạm thì sao?

Ảnh hưởng đối với thể xác và tâm lý của em Y. thì đã rõ, khó có thể đong đếm và định lượng cụ thể. Bức xúc của dư luận cũng là điều dễ hiểu bởi em Y. có quyền được pháp luật bảo vệ về mọi mặt. Thế nhưng ở phía đối diện, tương lai của năm em học sinh có hành vi sai trái cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào dư luận và cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối với các em.

Về mặt hình sự thì rõ ràng căn cứ theo các quy định của pháp luật, khó có thể xử lý năm em này về tội làm nhục người khác mặc dù hành vi của các em có cấu thành gần nhất với tội này. Bởi theo Điều 12 BLHS (về tuổi chịu trách nhiệm hình sự), các em đều chưa đủ 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội ít nghiêm trọng, trong đó có tội làm nhục người khác. Về tội cố ý gây thương tích thì chỉ có thể xử lý các em này nếu qua giám định cho thấy em Y. có tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên. Trong vụ này rất khó có khả năng xảy ra tỉ lệ này, vì mức độ tổn thương cơ thể của em Y. do bị đánh qua quan sát cũng có thể nhận biết chỉ ở mức nhẹ.

Về mặt hành chính, hành vi của năm nữ sinh này có thể bị xử phạt căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý (hành vi đánh hội đồng bạn là lỗi cố ý). Tuy nhiên, nhiều người đặt câu hỏi trong xử phạt hành chính thì có thể áp dụng hình thức buộc đưa năm em học sinh này vào trường giáo dưỡng hay không.

Như chúng ta đều biết, BLHS và Luật XLVPHC đều quy định biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Dưới góc độ hành chính, biện pháp xử lý này áp dụng đối với người chưa thành niên (từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi) có hành vi vi phạm Luật Hành chính nhằm mục đích giúp họ học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục của nhà trường. Thời hạn áp dụng biện pháp này có thể từ sáu tháng đến 24 tháng.

Tuy nhiên, Điều 92 Luật XLVPHC quy định rất rõ đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đó là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại BLHS; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn… Rõ ràng đối chiếu với các trường hợp trong điều luật nói trên thì thấy hành vi của năm em học sinh không thuộc đối tượng bị áp dụng.

Câu trả lời về quy định của pháp luật thì đã rõ. Ở góc độ nhân văn thì tôi cũng cho rằng không cần thiết phải đưa các em này vào trường giáo dưỡng mà hãy áp dụng biện pháp khác, đó là giáo dục giữa gia đình và nhà trường. Bởi lẽ các em đang là học sinh lớp 9, ở lứa tuổi mà ta hay gọi là “ẩm ương” và hành vi đánh bạn cũng là để giải quyết những tự ái và mâu thuẫn bột phát của tuổi đang lớn. Nhận thức của các em ở lứa tuổi này cũng còn rất hạn chế. Chưa kể nếu phạt các em bằng cách đưa vào trường giáo dưỡng còn có thể dẫn đến tác dụng ngược vì các em sẽ tiếp xúc với nhiều bạn cùng trang lứa ngỗ ngược và phức tạp, ảnh hưởng tới tương lai.

Nên chăng chúng ta giáo dục bằng cách đưa các em về gia đình, yêu cầu gia đình viết cam kết sẽ theo dõi, quản lý con em để không còn trường hợp tương tự xảy ra. Với nhà trường thì sau thời gian đình chỉ học tập, nếu các em vẫn tiếp tục đi học lại thì trường phải tăng cường quản lý, theo dõi để giúp các em học tập và lấy lại tinh thần.

Hãy để những bác sĩ, chuyên gia tâm lý giỏi nhất tham vấn, chữa trị em Y. để em sớm bình phục, lấy lại thăng bằng và hòa nhập một cách tốt nhất trong trường học. Và chúng ta cũng cần dang rộng vòng tay, tạo ra môi trường tốt nhất để giáo dục, giúp năm em học sinh kia nhận ra cái sai của mình để các em tiếp tục học tập, hướng tới những điều tốt đẹp.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Trường ĐH Luật TP.HCM 

Theo Pháp Luật TP.HCM

Cập nhật
03-06-2019
Xem thêm các tư vấn về: