Xử lý nợ thuế: Đảm bảo chính sách không bị lợi dụng, trục lợi

XỬ LÝ NỢ THUẾ: ĐẢM BẢO CHÍNH SÁCH KHÔNG BỊ LỢI DỤNG, TRỤC LỢI

Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xoá nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, (sau đây gọi tắt là Nghị quyết xóa nợ) đã chính thức được Quốc hội thông qua. Ông Đoàn Xuân Toản (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế đã có chia sẻ với Báo Hải quan xung quanh vấn đề này.

No thue

 

Dù Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã có một chương riêng với những quy định rất rõ ràng về nội dung quản lý nợ thuế nhưng Nghị quyết xoá nợ vẫn được Quốc hội thông qua, cho thấy được tầm quan trọng của Nghị quyết này. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Trước hết phải khẳng định, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết xoá nợ xuất phát từ thực tiễn khách quan. Nghị quyết tập trung vào 2 giải pháp quan trọng đó là khoanh tiền nợ thuế gốc và xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Riêng về số tiền nợ thuế gốc, cơ quan quản lý thuế vẫn tiếp tục theo dõi, nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện xử lý nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38.

Đối với cơ quan quản lý thuế, Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý, khắc phục triệt để số nợ đọng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước đã tồn tại qua nhiều năm, không để dây dưa kéo dài. Từ đó, giảm gánh nặng quản lý, chi phí, giúp cơ quan Thuế có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý thu và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu vào ngân sách; chống thất thu, tăng thu cho ngân sách. Từ đó, sẽ phản ánh đúng thực chất, đúng tình trạng nợ thuế, cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế để xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

Còn đối với người nộp thuế, việc xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp sẽ hỗ trợ, giải quyết kịp thời khó khăn, tạo điều kiện phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; giúp ổn định tâm lý, phục hồi sản xuất kinh doanh và làm tiền đề cho việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Mặt khác, tạo công bằng cho những người nộp thuế mà ngân sách nhà nước chậm thanh toán.

Chính vì vậy, cùng với các quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết này, cơ chế chính sách về xử lý nợ thuế cơ bản đã được hoàn thiện, sẽ góp phần giúp cho công tác xử lý thu hồi nợ hiệu quả, khắc phục những hạn chế bất cập trong thời gian qua.

Ngoài việc xác định đúng đối tượng, Nghị quyết đã có những quy định như thế nào để phòng ngừa trục lợi và cố tình chây ỳ nợ thuế, thưa ông?

Phải hiểu rằng, Nghị quyết là văn bản quy định pháp luật, cơ sở pháp lý cho thực hiện xử lý nợ chứ không phải khi có Nghị quyết có thể xóa nợ được ngay. Việc xoá nợ phải căn cứ vào từng đối tượng, đáp ứng các điều kiện cụ thể về hồ sơ, thủ tục. Điều kiện tiên quyết để được xử lý nợ là người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Bảy nhóm đối tượng được khoanh, xoá nợ tại Nghị quyết đã được cơ quan Thuế rà soát thận trọng, cân nhắc nhiều khía cạnh. Tất cả các đối tượng này thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và đây không phải là những đối tượng mới.

Có thể nói, từ khi thực hiện xoá nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành, cơ quan Thuế các cấp chưa phát hiện được trường hợp nào lợi dụng chính sách để chây ỳ, trốn thuế. Bởi các quy định của Luật rất chặt chẽ, chỉ xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp đối với doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản khi đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt; cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền phạt còn nợ. Trong khi đó, những quy định của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị quyết này còn chặt chẽ hơn rất nhiều, nên sẽ không có kẽ hở để lợi dụng.

Cụ thể, sự chặt chẽ thể hiện ở thẩm quyền xoá nợ, nguyên tắc xử lý nợ phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, đúng đối tượng, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm của cá nhân người có thẩm quyền. Trường hợp người có thẩm quyền quyết định xóa nợ và người đề xuất xử lý nợ không đúng quy định sẽ bị xử lý, thậm chí còn bị xử lý hình sự.

Mặt khác, để có những căn cứ xác định đúng đối tượng, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế phải có sự phối hợp chặt chẽ của UBND các cấp, sở, ngành trong việc xác nhận thông tin, tài sản của người nợ thuế; cơ quan Công an rà soát đối với người nộp thuế đã chết, mất tích, bỏ đi khỏi nơi cư trú hoặc mất năng lực hành vi dân sự; xác minh, xác nhận thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, việc xem xét xoá nợ còn phải có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành liên quan như yêu cầu hàng năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc xử lý nợ báo cáo Quốc hội. Hơn nữa, nếu đã được xóa, nhưng nếu người nộp thuế quay lại sản xuất kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới vẫn phải nộp đầy đủ các khoản nợ đã xóa. Tất cả những quy định này sẽ đảm bảo chính sách không bị lợi dụng, trục lợi, ngân sách nhà nước sẽ không bị mất.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Báo Hải quan

Cập nhật
04-12-2019
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: