Trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở được miễn giấy phép

TRƯỜNG HỢP SỬA CHỮA, CẢI TẠO NHÀ Ở ĐƯỢC MIỄN GIẤY PHÉP

Trước khi sửa chữa, cải tạo nhà ở thì chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, pháp luật còn quy định 02 trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở được miễn giấy phép.

Truong hop sua chua nha duoc mien giay phep

 

Khi nào sửa chữa, cải tạo nhà ở được miễn giấy phép?

Theo khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, khi sửa chữa, cải tạo nhà ở thì có 02 trường hợp được miễn giấy phép xây dựng gồm:

- Trường hợp 1: Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

- Trường hợp 2: Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

Như vậy, nếu không thuộc 02 trường hợp trên thì phải có giấy phép. Hay nói cách khác, khi sửa chữa, cải tạo nhà ở mà có những thay đổi sau thì phải có giấy phép:

+ Làm thay đổi kết cấu chịu lực;

+ Làm thay đổi công năng sử dụng;

+ Làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

+ Làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.

Thủ tục xin giấy phép cải tạo, sửa chữa nhà ở

* Chuẩn bị hồ sơ:

- Số lượng hồ sơ: Chủ đầu tư phải chuẩn bị 02 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sữa chữa, cải tạo nhà ở.

- Thành phần hồ sơ: Theo Điều 12 Thông tư 15/2016/TT-BXD, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo gồm các giấy tờ sau:

+ Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở.

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật hoặc bản sao giấy phép xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

+ Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính bản vẽ hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

* Trình tự thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

- Nơi nộp: UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) nơi có nhà ở.

- Cách thức nộp: Chủ đầu tư gửi hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp huyện.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

- UBND cấp huyện có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

- Kiểm tra hồ sơ;

- Nếu hồ sơ đầy đủ thì sẽ ghi giấy biên nhận và trao cho người nộp;

- Nếu hồ sơ không đầy đủ hoặc không đúng quy định thì hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

Bước 3. Xử lý yêu cầu

Bước 4. Trả kết quả

UBND cấp huyện trao cho chủ đầu tư Giấy phép kèm theo hồ sơ thiết kế trình xin cấp giấy phép xây dựng có đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền.

Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (theo Quyết định 838/QĐ-BXD ngày 29/8/2016).

Lệ phí cấp giấy phép xây dựng: Theo Thông tư 250/2016/TT-BTC, lệ phí do HĐND cấp tỉnh quyết định nên lệ phí tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là khác nhau.

Kết luận: Chỉ có 02 trường hợp sửa chữa cải tạo nhà ở được miễn giấy phép. Nếu không thuộc trường hợp được miễn giấy phép thì chủ đầu tư phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nộp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND cấp huyện, nộp lệ phí và đợi kết quả.

Theo LuatVietnam

Cập nhật
05-02-2020
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: