Trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý nhà chung cư

Trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư

Phúc đáp Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh về kiến nghị của cử tri: “Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư trong công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, cụ thể trong công tác bảo trì chung cư, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và việc cấp chủ quyền cho các hộ dân. Đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, giám sát việc quản lý, vận hành các chung cư”.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Pháp luật về nhà ở (Luật Nhà ở năm 2014, Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở và Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư) đã có các quy định cụ thể liên quan đến trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (trong đó có chủ đầu tư) trong công tác quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.

Đối với công tác bảo trì, theo quy định của pháp luật về nhà ở thì chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư để duy trì chất lượng của nhà ở và bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng (Khoản 1, Điều 86 Luật Nhà ở 2014, Khoản 1, Điều 32 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD).

Đối với công tác PCCC, theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về PCCC thì chủ đầu tư chỉ được bàn giao nhà ở cho người dân khi công trình nhà ở đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng (trong đó có việc nghiệm thu PCCC theo quy định). Đồng thời, pháp luật về nhà ở cũng quy định chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng bảo hiểm cháy nổ theo quy định của pháp luật về PCCC và pháp luật về kinh doanh bảo hiểm (Điểm đ, Khoản 1, Điều 11 Luật Nhà ở 2014).

Đối với việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì pháp luật về nhà ở và pháp luật về đất đai đã quy định trong thời hạn 50 ngày, kể từ ngày bàn giao nhà ở cho người mua thì chủ đầu tư phải làm thủ tục đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người mua trừ trường hợp người mua tự nguyện đi làm thủ tục.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm thì Chính phủ đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 quy định cụ thể các hành vi vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cũng như mức xử phạt đối với các hành vi này.

Như vậy, pháp luật về nhà ở đã có quy định tương đối đầy đủ, chặt chẽ về các nội dung liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư như kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh.

Ngày 9/10/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Chỉ thị này đã nêu rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện các nội dung liên quan đến quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc thực hiện các quy định của Luật Nhà ở 2014 nói chung, các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư nói riêng để phát hiện những tồn tại, bất cập (nếu có) và báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan để phù hợp với tình hình thực tế cũng như công tác quản lý Nhà nước.

Trên đây là trả lời của Bộ Xây dựng đối với kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đối với ngành Xây dựng trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong thời gian tới.

Theo Báo Xây Dựng

Cập nhật
03-09-2019
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: