Tổng hợp điểm mới 06 Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2019

Tổng hợp điểm mới 06 Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2019

1. Các loại tài sản, thu nhập công chức phải thực hiện kê khai

Theo Luật phòng, chống tham nhũng 2018 các loại tài sản, thu nhập phải thực hiện kê khai, bao gồm:

- Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây

dựng;

- Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên;

- Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;

- Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

So với quy định hiện hành, bổ sung thêm “công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng” và “tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai” vào các loại tài sản phải thực hiện kê khai.

 Chính phủ quy định mẫu bản kê khai và việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập quy định tại trên.

2. Rút ngắn thời gian thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân

Theo Luật Công an nhân dân 2018, Công an nhân dân được tuyển chọn công dân trong độ tuổi gọi nhập ngũ vào phục vụ trong Công an nhân dân với thời hạn là 24 tháng.

(Hiện hành, thời gian thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân được quy định là 36 tháng).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp sau đây:

- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;

- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu nạn, cứu hộ.

Thủ tục tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân được áp dụng như tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

3. 16 tội danh không được đề nghị đặc xá

Luật Đặc xá 2018 gồm 6 chương với 39 điều quy định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các trường hợp không được đặc xá.

Theo đó, người có đủ điều kiện quy định tại Điều 11 của Luật Đặc xá 2018 không được đề nghị đặc xá khi bị kết án phạt tù về một trong các tội danh sau đây:

- Tội phản bội Tổ quốc;

- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;

- Tội gián điệp;

- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ;

- Tội bạo loạn;

- Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;

- Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu hoặc vật phẩm nhằm chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Tội phá rối an ninh;

- Tội chống phá cơ sở giam giữ;

- Tội khủng bố;

- Các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự (05 tội).

4. 04 trường hợp Cảnh sát biển được quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển

Theo Luật Cảnh sát biển 2018, cảnh sát biển thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp sau đây:

- Vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia;

- Không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật Cảnh sát biển 2018;

- Thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi;

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật cũng quy định về phạm vi, thẩm quyền và trình tự truy đuổi tàu thuyền trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Sửa đổi quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học

Đây là một trong những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Luật giáo dục đại học (sửa đổi) 2018.

Theo đó, quy định về trình độ và hình thức đào tạo của giáo dục đại học cụ thể như sau:

- Các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ;

- Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa;

- Cơ sở giáo dục đại học được tổ chức hoạt động giáo dục thường xuyên, cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cấp chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với ngành, lĩnh vực đào tạo của mỗi cơ sở theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học;

- Bên cạnh đó Luật cũng giao Chính phủ quy định trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.

6. Bổ sung thêm 03 thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

So với quy định hiện hành Luật Cạnh tranh 2018 bổ sung thêm 03 thỏa thuận cạnh tranh bao gồm:

- Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận.

- Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận.

- Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Như vậy, từ ngày 01/7/2019, sẽ có 11 thỏa thuận về hạn chế cạnh tranh.

Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 còn sửa đổi quy định về tập trung kinh tế bị cấm: Doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.

Theo thuvienphapluat.vn

Cập nhật
30-07-2019
Có thể bạn quan tâm: