Thủ tục lập di chúc đơn giản, nhanh gọn và đúng chuẩn

THỦ TỤC LẬP DI CHÚC ĐƠN GIẢN, NHANH GỌN VÀ ĐÚNG CHUẨN

Di chúc là văn bản mà thông qua đó người để lại di sản định đoạt phần tài sản của mình sau khi chết. Dưới đây là thủ tục lập di chúc chi tiết nhất mà ai có ý định lập không thể bỏ qua.

Di chúc có phải công chứng, chứng thực không?

Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế…

Trong trường hợp di chúc không hợp pháp thì việc chia thừa kế vẫn được thực hiện theo pháp luật. Mà một trong những điều kiện để một bản di chúc hợp pháp là hình thức của nó phải không trái quy định.

Theo đó, Điều 627 BLDS nêu rõ, di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không lập được bằng văn bản thì có thể di chúc miệng:

- Di chúc bằng văn bản: Gồm di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, có người làm chứng, có công chứng, có chứng thực;

- Di chúc miệng;

Như vậy, không phải tất cả di chúc đều phải được công chứng, chứng thực mà chỉ một số trường hợp bắt buộc phải thực hiện gồm:

- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất;

- Di chúc của người không biết chữ; 

- Di chúc miệng;

- Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài.

Lap di chuc

 

Chi tiết thủ tục lập di chúc mới nhất

Theo phân tích ở trên, di chúc có thể được lập dưới dạng văn bản không có người làm chứng, có người làm chứng, có công chứng, có chứng thực và lập di chúc miệng.

Trong trường hợp được lập bằng văn bản, di chúc phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Bao gồm các nội dung của di chúc phải gồm: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản và các nội dung khác;

- Không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu;

- Nếu có nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc;

- Nếu có tẩy xóa, sửa chữa thì người viết di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa đó.

Trong trường hợp di chúc miệng thì tại thời điểm lập di chúc, người lập di chúc có tính mạng bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. 

Đồng thời, di chúc được lập bằng các hình thức khác nhau thì sẽ có thủ tục lập khác nhau. Cụ thể:

1/ Di chúc lập bằng văn bản không có người làm chứng

Để lập di chúc trong trường hợp này, ngoài những yêu cầu chung khi lập di chúc bằng văn bản đã nêu ở trên thì người lập di chúc phải tự viết, ký vào bản di chúc này.

2/ Di chúc lập bằng văn bản có người làm chứng

Khi người lập di chúc không tự mình viết được thì có thể tự đánh máy hoặc nhờ người khác viết, đánh máy nhưng phải đảm bảo có ít nhất 02 người làm chứng và:

- Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt những người làm chứng;

- Người làm chứng phải xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

3/ Di chúc lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực

Để công chứng, chứng thực di chúc, cần phải thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

- Phiếu yêu cầu công chứng tại trụ sở hoặc Phiếu yêu cầu công chứng ngoài trụ sở (nếu có) (theo mẫu);

- Dự thảo Di chúc;

- Giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu của người lập và người nhận; Sổ hộ khẩu; Xác nhận tình trạng hôn nhân; Đăng ký kết hôn…;

- Giấy tờ về tài sản như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ đỏ); Đăng ký xe ô tô…

Bước 2: Nộp hồ sơ

- Cơ quan có thẩm quyền công chứng gồm: Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng;

- Cơ quan có thẩm quyền chứng thực: Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã.

Lưu ý: Theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng năm 2014, với các trường hợp công chứng di chúc có tài sản là bất động sản thì có thể thực hiện công chứng ở ngoài phạm vi tỉnh, thành phố nơi tổ chức công chứng đặt trụ sở.

Do đó, khi thực hiện công chứng di chúc liên quan đến bất động sản, người lập di chúc không phải đến tại Phòng/Văn phòng công chứng nơi có đất để thực hiện.

Bước 3: Thực hiện công chứng, chứng thực di chúc

Công chứng viên hoặc công chức tư pháp xã tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ của người lập di chúc và ghi chép lại nội dung di chúc theo nguyện vọng của người này.

Sau khi được giải thích quyền, nghĩa vụ, xác nhận bản di chúc đã được ghi chép đúng với ý chí của người để lại di chúc, người này sẽ được hướng dẫn ký hoặc điểm chỉ vào văn bản.

Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của UBND cấp xã ký xác nhận người làm chứng và trả lại bản gốc văn bản cho người lập di chúc.

Bước 4: Nộp lệ phí, phí công chứng và thù lao công chứng

Lệ phí chứng thực tại UBND cấp xã và phí công chứng di chúc tại tổ chức công chứng đều là 50.000 đồng/di chúc (Theo Quyết định 1024/QĐ-BTP và Thông tư 257/2016/TT-BTC).

Đồng thời, tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 256 nêu trên cũng quy định mức thu phí nhận lưu giữ di chúc là 100.000 đồng/trường hợp.

Riêng thù lao công chứng di chúc sẽ do các tổ chức hành nghề công chứng và người yêu cầu công chứng tự thỏa thuận nhưng không được vượt quá mức trần thù lao công chứng do UBND cấp tỉnh ban hành.

4/ Di chúc miệng

Ý chí cuối cùng của người để lại di chúc phải được thể hiện trước mặt ít nhất 02 người làm chứng, được ghi chép lại, hai người làm chứng này phải cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong vòng 05 ngày phải được công chứng hoặc chứng thực.

Đặc biệt, sau 03 tháng kể từ khi lập di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

Theo LuatVietNam

Cập nhật
18-03-2020
Có thể bạn quan tâm: