Thời hạn cử người đại diện vốn Nhà nước không quá 5 năm

Thời hạn cử người đại diện vốn Nhà nước không quá 5 năm. 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Tại Điều 47 Luật quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp quy định:

 “Điều 47. Cử người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp

1. Căn cứ tiêu chuẩn quy định tại Điều 46 của Luật này, cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ lựa chọn, cử người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp. Việc cử người đại diện phải thực hiện bằng văn bản, trong đó quy định quyền, trách nhiệm của người đại diện.

2. Thời hạn cử người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp được xác định không quá nhiệm kỳ của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị”.

Tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định:

 “Điều 150. Nhiệm kỳ và số lượng thành viên Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng thành viên Hội đồng quản trị.

2. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên độc lập Hội đồng quản trị không quá 05 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Số lượng, thời hạn cụ thể của nhiệm kỳ, số thành viên Hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định.

3. Trường hợp tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ thì các thành viên đó tiếp tục là thành viên Hội đồng quản trị cho đến khi có thành viên mới được bầu thay thế và tiếp quản công việc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Điều 156. Miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị

1. Thành viên Hội đồng quản trị bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 151 của Luật này;

b) Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

c) Có đơn từ chức;

d) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

2. Thành viên Hội đồng quản trị có thể bị bãi nhiệm theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

3. Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông để bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

a) Số thành viên Hội đồng quản trị bị giảm quá một phần ba so với số quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp này, Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày số thành viên bị giảm quá một phần ba;

b) Số lượng thành viên độc lập Hội đồng quản trị giảm xuống, không bảo đảm tỷ lệ theo quy định tại Khoản 1, Điều 134 của Luật này.

Trường hợp khác, tại cuộc họp gần nhất, Đại hội đồng cổ đông bầu thành viên mới thay thế thành viên Hội đồng quản trị đã bị miễn nhiệm, bãi nhiệm”.

Theo quy định nêu trên thì thời hạn cử người đại diện vốn Nhà nước, vốn doanh nghiệp Nhà nước trong công ty cổ phần không quá 5 năm, thời hạn cụ thể phải căn cứ vào điều lệ công ty cổ phần.

Trường hợp công ty cổ phần không quy định thời hạn cụ thể một nhiệm kỳ Hội đồng quản trị thì thời hạn cử người đại diện vốn nhà nước tại công ty cổ phần áp dụng quy định của Luật Doanh nghiệp không quá 5 năm.

Việc thay đổi thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần với điều kiện theo quy định tại Điều 156 của Luật Doanh nghiệp nêu trên không có liên quan đến thời hạn cử người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp Nhà nước tại công ty cổ phần.

Riêng trường hợp cử người đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì việc cử, cử lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật người đại diện thực hiện theo quy định tại Nghị định số 106/2015/NĐ-CP ngày 23/10/2015 của Chính phủ về quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cập nhật
09-04-2019
Có thể bạn quan tâm: