Theo khoản 2, Điều 13, Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì “Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật”.
Nếu doanh nghiệp có cùng một lúc nhiều người đại diện theo pháp luật, thì quyền và nghĩa vụ của những người đại diện đó phải ghi nhận trong Điều lệ theo Luật Doanh nghiệp. Nếu không có thể xảy ra tranh chấp về thẩm quyền. Không đúng thẩm quyền đại diện ký kết hợp đồng là một yếu tố có thể dẫn tới giao dịch vô hiệu. Doanh nghiệp có nhiều người đại diện theo pháp luật, thì sẽ phát sinh nhiều cách hiểu ai là người có thẩm quyền trong số nhiều người đại diện đương nhiên đó. Rủi ro pháp lý giao dịch vô hiệu sẽ phát sinh khi vụ việc được đưa ra Tòa án giải quyết. Đây chính là sự bất hợp lý của quy định đa đại diện trong Luật doanh nghiệp.
Trong một vụ án tranh chấp, nếu một bên cho rằng người ký đúng thẩm quyền đại diện, bên còn lại cho rằng không đúng thì rủi ro pháp lý giao dịch vô hiệu xuất hiện. Nếu doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người đó trực tiếp ký kết giao dịch, thì vấn đề rủi ro giao dịch vô hiệu vì thẩm quyền ký kết khó xảy ra.
Có thể nhìn nhận rằng, nếu như doanh nghiệp muốn có nhiều người được nhân danh công ty ký kết các giao dịch, thì vấn đề không nằm ở việc đăng ký nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều hợp lý mà các doanh nghiệp nên hướng tới là xác lập một cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, hợp lý, dễ theo dõi.
RULE LAW FIRM