Quyền DN khi Không đồng ý phân loại của Hải quan

Quyền của doanh nghiệp khi không đồng ý với kết quả phân loại của Hải quan

Trả lời về việc phân loại đối với hàng hóa thuộc Danh mục các mặt hàng không lấy mẫu phân tích nhằm mục đích phân loại, Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính năng, công dụng của hàng hóa nhập khẩu để phân loại hàng hóa, xác định mã số. Trường hợp nghi ngờ việc khai báo không chính xác hay có khả năng gian lận thì thực hiện lấy mẫu yêu cầu phân tích.

Về việc gửi yêu cầu phân tích, theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP: Trường hợp bằng các máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện có tại Chi cục Hải quan, địa điểm kiểm tra hải quan, công chức Hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa không đủ cơ sở để xác định tính chính xác đối với nội dung khai của người khai hải quan về tên hàng, mã số thì yêu cầu các tổ chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan hải quan thực hiện việc phân tích, phân loại hoặc giám định để xác định các nội dung trên. Như vậy, việc lấy mẫu yêu cầu phân tích thuộc nghiệp vụ cơ quan Hải quan tại Chi cục Hải quan nơi đăng ký tờ khai.

Về việc xử lý trong trường hợp người khai hải quan không đồng ý kết quả phân loại, xác định mã số của cơ quan Hải quan:

Theo quy định tại Điều 41 Luật Quản lý thuế 78/2006/QH11, khoản 1 Điều 36 Luật Hải quan số 54/2014/QH13, khoản 1 Điều 30 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và khoản 15 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP: trường hợp DN không nhất trí với kết luận kiểm tra của cơ quan Hải quan về tên hàng, mã số, mức thuế và số thuế do cơ quan Hải quan ấn định thì DN vẫn phải nộp số thuế đã ấn định để thông quan hàng hóa, đồng thời thực hiện khiếu nại, khởi kiện về việc ấn định thuế hoặc được lựa chọn cơ quan, tổ chức giám định để thực hiện việc giám định hàng hóa, chịu chi phí giám định theo quy định của pháp luật.

Theo Báo Hải quan

Cập nhật
24-11-2018
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: