Những thay đổi về thủ tục hàng tạm nhập tái xuất?

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ THỦ TỤC HÀNG TẠM NHẬP TÁI XUẤT

1. Gỡ nhiều vướng mắc về thủ tục

Các nội dung liên quan đến thủ tục hàng TNTX được sửa đổi, bổ sung từ Điều 48 đến Điều 55 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, thể hiện từ Khoản 21 đến Khoản 29 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Theo ban soạn thảo, việc bổ sung quy định nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tế mà không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho DN. Cụ thể, tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP quy định, hàng hóa NK đã đăng ký tờ khai hải quan nếu phát hiện không phù hợp với hợp đồng thì phải hoàn thành thủ tục hải quan sau đó mới làm thủ tục tái xuất. Quy định này dẫn đến phát sinh vướng mắc và tăng thêm thủ tục cho người khai hải quan, vì hàng hóa không thực NK, trong trường hợp hàng hóa phải lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành sẽ không đảm bảo tính nguyên vẹn của hàng hóa nên người NK không thể trả lại hàng cho phía nước ngoài. Đối với trường hợp hàng hóa thuộc diện buộc tái xuất theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan Hải quan sẽ không thể hoàn thành thủ tục hải quan đối với lô hàng nhập khẩu, vì các lô hàng này thường là hàng cấm NK hoặc không đủ điều kiện NK, việc xác nhận thông quan là không đúng quy định.

Chính vì vậy, vấn đề thủ tục hải quan đối với hàng hóa NK phải tái xuất, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định: “Trường hợp hàng hóa (trừ ma túy, vũ khí, tài liệu phản động, hóa chất độc bảng I theo công ước cấm vũ khí hóa học) chưa làm thủ tục NK hoặc đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng chưa hoàn thành thủ tục hải quan, đang nằm trong khu vực giám sát hải quan nhưng do gửi nhầm lẫn, thất lạc, không có người nhận hoặc bị từ chối nhận, nếu người vận tải hoặc chủ hàng có văn bản đề nghị được tái xuất (trong đó nêu rõ lý do nhầm lẫn, thất lạc hoặc từ chối nhận) hoặc hàng hóa buộc tái xuất theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan nơi hàng hóa đang được lưu giữ tổ chức giám sát hàng hóa cho đến khi thực xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam ngay tại cửa khẩu nhập” (Khoản 21 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP).

2. Bổ sung phương tiện quay vòng

Về thủ tục hải quan đối với phương tiện quay vòng, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã khắc phục một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Cụ thể, tại Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK quy định miễn thuế đối với phương tiện quay vòng theo phương thức TNTX hoặc TXTN để chứa hàng hóa XK, NK. Tuy nhiên, Điều 49 Nghị định 08/2015/NĐ-CP chỉ quy định thủ tục hải quan đối với phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng TN, TX.

Do đó, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm cụm từ “tạm xuất, tái nhập” tại tiêu đề; đồng thời sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng được xác định là phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng. Cụ thể, phương tiện quay vòng theo phương thức TN, TX hoặc TX, TN để chứa hàng hóa XK, NK bao gồm: Container rỗng có hoặc không có móc treo; bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng; phương tiện (bồn) chứa khí, chất lỏng có kết cấu ổn định, bền chắc, được sử dụng chuyên dùng chứa và vận chuyển khí, có số ký hiệu in cố định trên vỏ mặt bồn, và chuyên chở bằng xe ô tô chuyên dùng; các phương tiện khác có thể sử dụng nhiều lần để chứa hàng hóa XK, NK (Khoản 22 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP).

Về thủ tục hải quan đối với hàng hóa TNTX, TXTN cũng được sửa đổi tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Trước đó, tại các Điều 50, Điều 51, Điều 52, Điều 53, Điều 54 và Điều 55 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP có quy định về địa điểm làm thủ tục đối với hàng hóa TNTX, TXTN và đa số hàng hóa này phải làm thủ tục tại chi cục hải quan cửa khẩu. Việc quy định về địa điểm làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan cửa khẩu gây khó khăn cho các trường hợp hàng hóa gửi qua đường chuyển phát nhanh, hàng hóa của DN chế xuất có địa điểm làm thủ tục hải quan tại các chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.

Do vậy, Nghị định 59/2018/NĐ-CP đã bổ sung địa điểm làm thủ tục hải quan (ngoài chi cục hải quan cửa khẩu) là chi cục hải quan chuyển phát nhanh và chi cục hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất. Ngoài ra, bổ sung các đối tượng là hàng hóa xuất nhập khẩu theo loại hình TN, TX được miễn thuế tại khoản 9 Điều 16 Luật Thuế XK, thuế NK.

kkk Ngoài các vấn đề liên quan đến thủ tục hàng TNTX, TXTN, Nghị định 59/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải XNC, được thể hiện từ Khoản 32 đến Khoản 49 Nghị định 59/2018/NĐ-CP. Theo Ban soạn thảo, các nội dung liên quan đến vấn đề này đã được rà soát, đối chiếu Nghị định số 58/2017/NĐ-CP với Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, các quy định liên quan đến một cửa quốc gia trong cung cấp thông tin trước đối với phương tiện đường không, đường biển, đồng thời nghiên cứu phần thủ tục hải quan xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của phương tiện là tàu bay, tàu biển, tàu hỏa liên vận, ô tô, mô tô, xe máy đường bộ, phương tiện đường sông của Thông tư số 42/2015/TT-BTC để đưa một số nội dung có tính ổn định vào quy định tại Nghị định, bảo đảm khi triển khai Nghị định một cửa quốc gia và Quyết định của Thủ tướng được đồng bộ, tránh xung đột và đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đánh giá của Ban soạn thảo, các nội dung về phương tiện vận tải về cơ bản đã thực hiện ổn định tại Thông tư số 42/2015/TT-BTC, do vậy khi đưa lên Nghị định không có vướng mắc lớn phát sinh. Ngoài ra, còn một số nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hàng hóa một cách đồng bộ giữa người khai hải quan, cơ quan quản lý nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia... nhằm rút ngắn thời gian thông quan, cắt giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Ngọc Linh

Theo Báo Hải quan

Cập nhật
13-05-2018
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: