Năm nhóm giải pháp “chặt vòi” tín dụng đen

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ ngành, địa phương nhận định, mặc dù trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh (SXKD) và phục vụ  đời sống cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa nơi dễ bị ảnh hưởng bởi tín dụng đen, song tình trạng tín dụng đen vẫn diễn ra tinh vi dười nhiều hình thức ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ một nhóm đối tượng đòi nợ một người dân, nhưng người vay mất khả năng thanh toán nên nhóm này đã đánh đập, hành hạ con nợ đến tử vong. Tín dụng đen hoành hành, dễ dàng len lỏi vào các địa phương, nhất là các tỉnh Tây Nguyên nhờ thủ tục được quảng cáo là nhanh, cấp tiền ngay.

Ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Người vay phải trả lãi suất lên tới 282 - 365%/năm, do đó nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con.

"Các đối tượng cho vay có nhiều thủ  đoạn đòi nợ hết sức manh động: gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như đe dọa, khủng bố về tinh thần, thuê các đối tượng hình sự để đe dọa gây mất an ninh trật tự xã hội”, ông Trần Xuân Hải nói.

Còn theo đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hiện thủ tục giải ngân của ngân hàng cần 15-20 ngày, nhiều trường hợp đòi hỏi tài sản bảo đảm, trong khi đó vay vốn bên ngoài tính theo giờ.

Sau khi cùng với đại diện các ngân hàng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương  thảo luận về thực trạng tình hình, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã nêu lên nhóm 5 giải pháp cơ bản để “chặt vòi” tín dụng đen.

Thứ nhất, về hoàn thiện khung khổ pháp lý, ngành ngân hàng sẽ sửa đổi Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của loại hình này thông qua quản lý về quy mô, điều kiện kinh doanh, phạm vi địa bàn hoạt động, khuôn khổ lãi suất,… để ngăn chặn tình trạng và nguy cơ mất an toàn và tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động; tăng cường vai trò trách nhiệm, quyền hạn của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố.

NHNH cũng sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm quy định tách bạch hoạt động cho vay phục vụ đời sống và cho vay tiêu dùng cá nhân của các NHTM, tạo điều kiện để các ngân hàng mở rộng cho vay tiêu dùng cá nhân. NHNN cũng nghiên cứu hoàn thiện quy định về cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm.

NHNN cũng sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị  định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 về ban hành Danh mục mức vốn pháp định đối với các tổ chức tài chính vi mô; Khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án củng cố và phát triển hệ thống Qũy tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 209/QĐ-NHNN ngày 31/01/2019 của Thống đốc NHNN, đảm bảo các tổ chức tài chính vi mô và hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn, bền vững, đúng mục tiêu, góp phần đáp ứng ngày càng đầy đủ, kịp thời hơn nhu cầu vay vốn tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân.

Thứ hai, NHNN sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Quyết định 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo (kết thúc thực hiện năm 2020) theo hướng mở rộng đối tượng cho vay trong đó có cho vay tiêu dùng đối với các hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho đối tượng này được tiếp tục tiếp cận vốn phục vụ nhu cầu đời sống, hạn chế các hộ dân tìm đến nguồn tín dụng đen.

Thứ ba, NHNN sẽ nắm sát hoạt động cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp triển khai có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, giải thích cho người dân về tác hại của tín dụng đen, đồng thời đề xuất các giải pháp ngăn chặn, hạn chế hoạt động này. Nhiệm vụ này,  Thống đốc giao NHNN chi nhánh 63 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

Thứ tư, ngành ngân hàng tiếp tục phải phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt đầy đủ thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành ngân hàng về các chương trình chính sách tín dụng, cách thức tiếp cận vốn vay; đồng thời cảnh báo các thủ đoạn của các đối tượng, tổ chức cho vay nặng lãi cũng như những hệ lụy nặng nề mà tín dụng đen gây ra. “Nhiệm vụ này tôi giao Vụ truyền thông NHNN chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói.

Giải pháp cuối cùng là từ phía các tổ chức tín dụng cần tiếp tục quyết liệt triển khai các chủ trương của Chính phủ và NHNN  cũng như các gói cho vay ưu đãi; triển khai mạnh mẽ chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 và văn bản hướng dẫn liên quan để người dân nhanh chóng được hưởng những chính sách ưu đãi vừa được Chính phủ sửa đổi, bổ sung trong năm 2018.

Riêng ngân hàng Agribank bên cạnh đẩy mạnh cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ, tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình tín dụng cho vay tín chấp 5.000 tỷ đồng để  đáp ứng kịp thời các nhu cầu vốn cấp bách của người dân. Trước mắt, giao Agribank triển khai thí điểm chương trình cho vay tín dụng tiêu dùng trong chương trình 5.000 tỷ tại địa bàn Gia Lai (địa bàn điểm nóng về tín dụng đen) theo hướng: Ngân hàng NN&PTNT phối hợp với UBND xã, phường, các Hội đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân) theo các hình thức phù hợp để cho vay, lãi suất thỏa thuận đảm bảo bù đắp rủi ro chi phí.

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối hợp với các đơn vị thuộc NHNN trong quá trình xây dựng Nghị định của Chính phủ về cho vay tiêu dùng đối với các hộ mới thoát nghèo; đồng thời rà soát, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan báo cáo và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mở rộng đối tượng thụ hưởng, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay đối với một số chương trình tín dụng phục vụ tiêu dùng như cho vay giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phù hợp với thực tiễn.

NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác. Các ngân hàng cần tiếp tục xem xét gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, không phải đi vay nặng lãi từ các đối tượng cho vay tín dụng đen.

Đối với Bộ Công an, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong đó có việc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đen hoạt động tín dụng đen. Ngoài ra, với vai trò của mình, ngành công an cần tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen bất hợp pháp các tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen, thông qua lực lượng công an cơ sở tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại tín dụng đen. Cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi Bộ luật hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn để hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Với các địa phương, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt chính quyền cấp cơ sở cần phối hợp với ngành ngân hàng hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. “Địa phương cần hỗ trợ ngành ngân hàng trong quá trình xác minh nhu cầu vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân, cũng như quá trình theo dõi, thu hồi nợ vay nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức”, Thống đốc NHNN nói.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cập nhật
22-04-2019
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: