Khó thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Hầu hết quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thi hành đều do các đối tượng không thực hiện hoặc không có tài sản để thi hành. Quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa rõ ràng, thiếu phù hợp với thực tế dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan khó áp dụng thực hiện.

Vì sao khó thi hành?

Trong quá trình theo dõi việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong toàn Ngành, trên cơ sở báo cáo số liệu về xử phạt vi phạm hành chính, Tổng cục Hải quan nhận thấy, còn tồn tại tình trạng một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn chấp hành nhưng chưa được thi hành và chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định. Đặc biệt, một số vụ việc phát hiện có vi phạm nhưng đến nay chưa ra quyết định xử phạt.

Tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ 1/10/2017 đến 30/6/2018, tại đơn vị phát sinh 60 vụ chưa bị xử phạt. Lý do là vì đơn vị đã chuyển Viện Kiểm sát để xem xét dấu hiệu hình sự (59 vụ), sau đó Viện Kiểm sát yêu cầu chuyển cho cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm để điều tra vụ việc nhưng đến nay cơ quan Cảnh sát điều tra vẫn đang điều tra và 1 vụ phát sinh đã ra quyết định xử phạt nhưng do thời điểm chốt số liệu báo cáo là ngày 30/6.

Còn tại Cục Hải quan Đồng Tháp hiện đang tồn 4 trường hợp chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt. Trong đó, Quyết định xử phạt ông Nou Ravy- sinh năm 1967, quốc tịch Campuchia số tiền 10 triệu đồng về hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hải quan chưa áp dụng được là do không liên lạc được để giao quyết định xử phạt cho ông này.

Đặc biệt, đối với 3 quyết định (xử phạt DN tư nhân Trương Thanh Hùng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc;  xử phạt ông Nguyễn Văn Sớt 40 triệu đồng và tịch thu tang vật vi phạm là chiếc máy cày hiệu KUBOTA M7000DT đã qua sử dụng về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và xử phạt ông Lê Hữu Phú về hành vi vi phạm buôn bán, vận chuyển hàng cấm) đều không thể thi hành quyết định. Cục Hải quan Đồng Tháp cho biết, mặc dù tang vật vi phạm của các vụ việc đã được tổ chức bán đấu giá nộp ngân sách nhà nước nhưng các cá nhân, tổ chức vi phạm lại mất khả năng thanh toán số tiền phạt nên khiến việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt gặp nhiều khó khăn.

Cục Hải quan Bà Rịa- Vũng Tàu có 3 trường hợp đã quá thời hạn chấp hành nhưng chưa được thi hành của Công ty TNHH Yến Mỹ, Công ty TNHH MKY, Công ty TNHH Tiến Minh. Công ty TNHH Yến Mỹ rời khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh; Công ty TNHH Tiến Minh có dấu hiệu bỏ trốn, cơ quan Hải quan đang phối hợp với Công an tiến hành điều tra xác minh; Công ty TNHH MKY đang trong quá trình tiến hành xác minh.

Tình trạng tương tự diễn ra tại Cục Hải quan Lạng Sơn với việc tồn đọng tới 52 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn thi hành do đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành; đối tượng không có tài sản để thi hành quyết định xử phạt; đối tượng đang bị khởi tố và bắt tạm giam; DN không còn hoạt động…

Trao đổi với một số công chức trực tiếp làm công tác xử phạt vi phạm hành chính, được biết hầu hết các quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thi hành đều do các đối tượng không thực hiện hoặc không có tài sản để thi hành. Bên cạnh đó, để thực hiện cưỡng chế thi hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định cũng gặp rất nhiều khó khăn vì một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa rõ ràng, thiếu phù hợp với thực tế dẫn đến việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan khó áp dụng thực hiện.

Cần phải thực hiện cưỡng chế

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đang có chiều hướng gia tăng với hàng chục nghìn vụ bị phát hiện hàng năm. Tình trạng này không chỉ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh… mà còn tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế cho ngân sách nhà nước.

Trong những năm qua, công tác xử lý vi phạm hành chính đã được các đơn vị trong toàn ngành Hải quan triển khai đầy đủ, toàn diện. Việc phát hiện vi phạm pháp luật, xác lập hồ sơ xử lý, giải quyết các vụ việc, về cơ bản đã được các đơn vị thực hiện một cách kịp thời, hiệu quả, theo trình tự, thủ tục, đảm bảo tuân thủ pháp luật xử lý vi phạm về thẩm quyền, mức phạt và các căn cứ pháp lý trong các quyết định hành chính một cách đầy đủ và chặt chẽ.

Tuy nhiên, hoạt động hải quan mang tính tổng hợp, liên quan đến quy định của nhiều văn bản luật điều chỉnh các quan hệ xã hội khác nhau, như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thương mại, Luật Thuế XK, thuế NK, Lụât thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Đầu tư, Luật Môi trường, Luật Quản lý thuế… và sự điều chỉnh của luật pháp quốc tế. Do vậy, vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có liên quan đến nhiều quy định mang tính chuyên ngành.

Đặc biệt, qua báo cáo của cục hải quan các tỉnh, thành phố và qua công tác kiểm tra việc thực hiện xử lý vi phạm hành chính, thi hành quyết định xử phạt trong toàn ngành Hải quan cho thấy, vẫn còn tồn tại tình trạng một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn chấp hành nhưng chưa được thi hành và chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo quy định.

Do đó, để chấn chỉnh công tác này theo đúng quy định tại Khoản 1, Điều 3, Điều 66, Điều 73, Điều 74, Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị kiểm tra rà soát việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại đơn vị mình để thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đồng thời, kiểm tra, sà soát các vụ việc vi phạm pháp luật đã được phát hiện tại đơn vị mình nhưng chưa được xử lý để khẩn trương xử lý các vụ việc này theo đúng quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự (trường hợp xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự).

Đảo Lê

Theo Báo Hải quan

Cập nhật
28-11-2018
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: