Giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp FDI bằng trọng tài

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP CHO DOANH NGHIỆP FDI BẰNG TRỌNG TÀI

Theo các chuyên gia, các dòng vốn đầu tư nước ngoài, các dòng chảy thương mại xuyên biên giới luôn rất “nhạy cảm” nên cần phải có giải pháp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các DN đã và đang đầu tư tại Việt Nam.

Để tìm hiểu rõ hơn về những phương thức trên, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã tổ chức Hội thảo: “Trọng tài Thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài” ngày 11/5 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Chủ tịch VIAC cho biết, phần lớn tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC luôn có sự tham gia của ít nhất một bên là DN FDI. Điều này cho thấy, các DN trong đó có DN FDI đã nhận thấy các ưu điểm nổi trội của phương thức trọng tài, tin tưởng lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Còn theo ông Kevin Kim, Phó Chủ tịch Toà Trọng tài Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Việt Nam là quốc gia năng động và có môi trường đầu tư an toàn, điều này đảm bảo là có hoạt động đầu tư thành công. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư nước ngoài luôn rất “nhạy cảm”, phụ thuộc vào các yếu tố tại điểm đến đầu tư nên cần phương thức để giải quyết tranh chấp; cũng như sử dụng công cụ giải quyết tranh chấp hiệu quả nhằm bảo toàn các dòng vốn đầu tư khỏi các rủi ro pháp lý.

Tuy nhiên, số liệu trích từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 về xu hướng sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp của nhóm DN FDI tại Việt Nam cho thấy, có nhiều lý do khiến DN FDI không muốn sử dụng thủ tục tố tụng tại tóa án để giải quyết tranh chấp; trong đó có: khả năng cũng như năng lực cán bộ tòa chưa đáp ứng được yêu cầu khi giải quyết tranh chấp phức tạp, các phán quyết của tòa chưa công bằng, thời gian giải quyết tranh chấp lâu, kéo dài phát sinh chi phí cho DN… Vì vậy, 40% DN FDI đã lựa chọn trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thay thế cho tòa án.

Nói về tình hình giải quyết tranh chấp của các DN FDI tại VIAC, ông Phan Trọng Đạt, Phó Tổng Thư ký VIAC cho biết, trong 25 năm qua, khoảng 23,3% số vụ tranh chấp được giải quyết qua VIAC có các bên là DN FDI, 36,6% số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, còn lại là các vụ tranh chấp nội địa.

Trong số các tranh chấp có các bên là DN FDI, 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 25% thuộc lĩnh vực xây dựng, 20% thuộc lĩnh vực cho thuê, 16% thuộc lĩnh vực dịch vụ…

Theo ông Đạt, tại Việt Nam, các tranh chấp có sự tham gia của ít nhất một bên là DN FDI thì các bên phải sử dụng luật Việt Nam theo đúng quy định tại Luật Trọng tài thương mại 2010, nhưng các bên được quyền cùng nhau thỏa thuận sử dụng ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài là ngoại ngữ khác với tiếng Việt.

Do vậy, theo thống kê, tỷ lệ các vụ giải quyết tranh chấp qua trọng tài thương mại được tiến hành bằng ngoại ngữ (chủ yếu tiếng Anh) tại VIAC luôn ở mức trên 50% trong nhiều năm qua.

Chính từ những kết quả nêu trên, đại diện VIAC cho biết, VIAC đã ra mắt phiên bản 2017 của bộ quy tắc tố tụng trọng tài với 3 điểm mới gồm: gộp vụ tranh chấp hoặc yêu cầu khởi kiện và thủ tục rút gọn. Điều này nhằm rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp cũng như đảm bảo tính hiệu quả của thủ tục trọng tài, nhất là khi các vụ tranh chấp ngày một lớn hơn, phức tạp hơn.

Hương Dịu

Theo Báo Hải quan

Cập nhật
12-05-2018
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: