Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố: 90% giao dịch đáng ngờ đi qua ngân hàng

Chống rửa tiền và tài trợ khủng bố: 90% giao dịch đáng ngờ đi qua ngân hàng

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các giao dịch tài chính quốc tế ngày càng đa dạng... đã đặt ra nhiều thách thức cho từng quốc gia và hệ thống ngân hàng trong phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố...", ông Nguyễn Văn Du - quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng  Nhà nước chia sẻ tại Hội thảo "Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố" vừa qua.

Theo ông Nguyễn Văn Du, hoạt động rửa tiền tác động rất lớn đến mức độ an toàn của nền tài chính, kinh tế quốc gia nên phòng, chống rửa tiền là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, bao gồm tất cả các biện pháp và hoạt động có thể được thực hiện để ngăn chặn tiền thu được một cách bất hợp pháp được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào hoặc bất kể nguồn gốc nào. Do đó, công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng với mục tiêu hướng tới đáp ứng chuẩn mực quốc tế.

Tuân thủ quy trình nghiêm ngặt

Ông Thái Hòa Sơn, đại diện HSBC Việt Nam nhấn mạnh đến quy trình kiểm tra kiểm soát, kiểm toán đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Ngoài việc thực hiện tốt mô hình ba tuyến phòng vệ, nhận diện và xử lý giao dịch đáng ngờ như nhiều ngân hàng đang áp dụng thì cần xây dựng quy trình đánh giá rủi ro và những biện pháp được áp dụng để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012 - 2017 và Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020.

Báo cáo cho biết, khi tiến hành đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền, tài trợ khủng bố nhóm xây dựng báo cáo gặp khó khăn, vướng mắc vì thông tin, số liệu khó hoặc không thể thu thập được do tình hình quản lý ở Việt Nam, một số đơn vị, bộ, ngành thống kê số liệu theo các tiêu chí hoặc phương thức khác với các tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia...

Do đó thiếu các số liệu liên quan đến những vi phạm hình sự của các tổ chức tài chính khác vì việc lưu trữ thông tin chủ yếu tập trung vào kết quả điều tra các vụ án thay vì phân chia vi phạm theo lĩnh vực.

Kết quả báo cáo cho thấy, sau khi xem xét xu hướng và kỹ thuật rửa tiền, tiền và tài sản do phạm tội tạo ra và nguy cơ các lĩnh vực trong nền kinh tế bị lạm dụng vào rửa tiền, đã đưa ra kết luận nguy cơ rửa tiền mức trung bình.

Còn sau khi xem xét mức độ dễ tổn thương quốc gia và mức độ dễ tổn thương về rửa tiền của các ngành, lĩnh vực đã đưa ra kết luận mức độ dễ tổn thương về rửa tiền là trung bình cao... Báo cáo đã căn cứ vào biểu đồ đánh giá rủi ro quốc gia, trên cơ sở đó đã đưa ra kết luận rủi ro rửa tiền quốc gia là trung bình cao.

Cụ thể, lĩnh vực ngân hàng và bất động sản tại Việt Nam có nguy cơ rửa tiền cao; công ty kinh doanh kiều hối có nguy cơ rửa tiền ở mức trung bình cao; lĩnh vực chứng khoán có nguy cơ rửa tiền ở mức trung bình; lĩnh vực bảo hiểm ở mức trung bình thấp và các lĩnh vực khác như cầm đồ, luật sư, kim loại quý, kế toán... có nguy cơ rửa tiền thấp.

Những hoạt động thường rửa tiền qua ngân hàng

Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý trong nguy cơ rửa tiền là lĩnh vực ngân hàng với gần 90% tổng số báo cáo giao dịch đáng ngờ gửi đến Cục Phòng chống rửa tiền.

Nhìn vào những vụ điều tra về tội rửa tiền thời gian vừa qua và các số liệu của Cục Phòng chống rửa tiền có thể thấy nguy cơ rửa tiền trong lĩnh vực ngân hàng có thể liên quan chủ yếu đến việc rửa tiền có nguồn gốc từ tội tham ô tài sản, loại tội phạm chủ yếu liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn và tội đánh bạc và trốn thuế.

Thông thường, để che giấu nguồn tiền thu được, tội phạm thường sử dụng tài khoản ngân hàng dưới tên người khác để nhận và chuyển các khoản tiền có nguồn gốc bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, bất động sản là lĩnh vực thu hút được nhiều nguồn tiền đầu tư có giá trị lớn, các giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản có thể thực hiện bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản và không thông qua sàn giao dịch bất động sản nên rất khó cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xác định nguồn gốc của tiền.

Các vụ đại án về tham ô thời gian qua cũng như vụ đánh bạc nghìn tỷ đồng bị điều tra về rửa tiền, trong số các tài sản thu được từ các vụ án đều liên quan đến các tài sản là các bất động sản. Để rửa tiền, các đối tượng phạm tội thường nhờ người thân trong gia đình mua, chuyển nhượng, cho tặng bất động sản.

Liên quan đến tài trợ khủng bố, báo cáo đánh giá nguy cơ về tài trợ khủng bố của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp và mức độ tổn thương về tài trợ khủng bố của Việt Nam được đánh giá ở mức thấp.

Đánh giá về các tội phạm nguồn trong nước, các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã đưa ra danh sách 17 loại tội phạm nguồn chính của tội rửa tiền. Theo đó các tội như tham ô tài sản, ma tuý tại Việt Nam có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền cao; các loại tội phạm như tội nhận hối lộ, tội lạm dụng chức vụ và quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, tội trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nguy cơ tiềm ẩn về rửa tiền trung bình cao...

Theo vneconomy.vn

Cập nhật
16-08-2019
Xem thêm các tư vấn về:
Có thể bạn quan tâm: